THỪA PHÁT LẠI LÀ GÌ?
Thừa phát lại là một khái niệm khá mới mẻ và gây khó hiểu cho người nghe... Có những câu hỏi đặt ra là: Thừa phát lại là gì? Thừa phát lại là ai? Và Thừa phát lại sẽ làm những công việc gì?
Từ thời Pháp thuộc đã tồn tại chức vụ Thừa phát lại và Thừa phát lại xuất phát từ Hán- Việt: thừa có nghĩa là thừa ủy quyền, thừa quyền; phát là phát ra, đưa đến tức là công việc của một người thực hiện theo lệnh của quan.
Theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì Thừa phát lại được hiểu là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.
Thừa phát lại có thể xem như một nghề luật tương tự Luật sư, Kiểm sát viên, Công chứng viên,…và cũng có trụ sở hoạt động dưới hình thức là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh, có cả tên gọi riêng.
Văn phòng Thừa phát lại cung cấp các dịch vụ pháp lý mang tính chất công, thực hiện một số công việc như:
1/- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự;
2/- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức;
3/- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự;
4/- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Ngoài những công việc nêu trên, Thừa phát lại cũng bị giới hạn bởi những việc không được làm như sau:
1/- Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
2/- Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
3/- Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
4/- Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Xuất phát từ chức năng và công việc của Thừa phát, công việc thường thấy của Thừa phát lại đó là lập vi bằng. Có lẽ đây cũng là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng mọi người có thể hình dung nó như một hoạt động công chứng, chứng thực.
Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
Có 02 loại vi bằng cơ bản đó là: Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi và Vi bằng ghi nhận hiện trạng.
Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP có quy định "Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”. Và tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC- BTC quy định: "Vi bằng do thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật."
Do đó, Thừa phát lại là người có vai trò và chức năng rất quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là trong tình hình phát triển kinh tế đa thành phần, tốc độ nhanh và các vấn đề đất đai luôn là vấn đề nóng bỏng như hiện nay .