TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN

Hồ Hoàng Luận – Huỳnh Thị Hảo

1. Thực tiễn:

Xuất phát từ một nguyên tắc hiến định đã được nêu ở Điều 106 Hiến pháp 2013 “bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Để đảm bảo được nguyên tắc trên thì cần phải có một cơ quan trực tiếp thi hành bản án, quyết định của toà án.

Hiện nay việc tổ chức thi hành án được thông qua cơ quan thi hành án, tuy nhiên, việc thi hành án của các cơ quan thi hành án diễn ra khá chậm và mất nhiều thời gian của đương sự. Để đảm bảo quyền lợi của đương sự và tạo điều kiện thuận cho cơ quan thi hành bản án, quyết định nhanh chóng, góp phần san sẻ một phần trách nhiệm, áp lực công việc cho các cơ quan thi hành án dân sự, nhà nước đã trao quyền cho Thừa phát lại thay mặt cơ quan thi hành án thực hiện việc thi hành các bản án, quyết định của toà án theo qui định của pháp luật.

2. Thẩm quyền, phạm vi thi hành án của Văn phòng Thừa phát như sau:

Nguyên tắc: Văn phòng Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án tại quận/huyện nơi đặt trụ sở đối với những bản án, quyết định sau (Khoản 1 Điều 34 Nghị Định 61/2009/NĐ-CP).

(1) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;

(2) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;

(3) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;

Ngoại lệ: Tuy nhiên, Thừa phát lại vẫn có thể tổ chức thi hành án ngoài địa bàn quận/huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại đối với các trường hợp nêu trên (Khoản 1 Điều 34 Nghị Định 61/2009/NĐ-CP được sửa đổi tại Khoản 12 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP).

3. Quyền hạn của Văn phòng thừa phát lại:

Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại Luật thi hành án dân sự (Khoản 2 Điều 5 Nghị Định 61/2009/NĐ-CP) bao gồm các quyền hạn sau:

3.1. Tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;

3.2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên;

3.3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án;

3.4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án;

3.5. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án;

3.6. Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật;

3.7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;

3.8. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.

4. Ý nghĩa:

 Việc Thừa phát lại trực tiếp thi hành các bản án, quyết định nêu trên đã góp phần hỗ trợ cơ quan thi hành án trong việc thi hành án từ đó giảm tải được công việc của cơ quan này trong giai đoạn hiện này, đồng thời góp phần đảm cho các bản án, quyết định của tòa án được giải quyết một cách nhanh chóng không bị tồn đọng, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho người yêu cầu thi hành án.

4.1 Với cơ quan Thi hành án:  Việc Thừa phát lại trực tiếp thi hành các bản án, quyết định nêu trên đã góp phần hỗ trợ cơ quan thi hành án trong việc thi hành án từ đó giảm tải được công việc của cơ quan này trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần đảm cho các bản án, quyết định của tòa án được giải quyết một cách nhanh chóng không bị tồn đọng, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho người yêu cầu thi hành án.

4.2 Với đương sự: Với sự ra đời của các Văn phòng Thừa phát lại, trong đó có chức năng xác minh điều kiện thi hành án, về lâu dài, bên cạnh lựa chọn Chấp hành viên, người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực cho việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

4.3. Với những cơ quan hữu quan: Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại; tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các văn phòng, phục vụ tối đa nhu cầu, lợi ích của người dân trong hoạt động này, dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung quy định về ủy thác xác minh điều kiện thi hành án giữa các Văn phòng Thừa phát lại; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như: công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; cán bộ, công chức cấp xã khác; bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng… trong việc hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện xác minh điều kiện thi hành án.

 

VIETAD
VIETAD